Nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại về người trong các đám cháy nhà cao tầng là do bị ngạt bởi khói độc và nhiệt độ nóng. Không phải ai cũng có những kĩ năng sống cơ bản khi gặp nạn.
Những khu vực nguy hiểm trong đám cháy
Trong trường hợp tòa nhà cao tầng bị cháy, người dân sống trong đó cần tìm mọi cách để thoát ra ngoài nhanh nhất nhưng không được chạy vào nhà vệ sinh hay di chuyển bằng thang máy. Đây là những khu vực nguy hiểm và khó tiếp cận trong một đám cháy nên chạy vào đây chẳng khác gì “tự sát”.
Bởi nhà vệ sinh dù là nơi có nguồn nước nhiều nhưng không có lối thoát và ít không khí nên những người “cố thủ” trong này dễ bị chết ngạt. Đồng thời, nhà vệ sinh cũng thường được xây ở những nơi khuất nên rất khó để lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tìm và cứu kịp thời.
Ngoài ra, khi phát hiện đám cháy người bên trong không nên thoát hiểm bằng thang máy để tránh bị kẹt khi cúp điện. Ngay khi phát hiện đám cháy, hãy dùng bất kì vật gì có thể thấm nước như màn, vải, quần áo, chăn choàng lên người và bịt mũi để chống ngạt và đề phòng trường hợp lửa bén lên quần áo đang mặc. Bạn nên chạy ra ngoài bằng cầu thang bộ, men theo hành lang để tránh bị xô ngã.
Nếu lối thoát bằng thang bộ đã bị bịt kín hoặc tắc nghẽn, trong trường hợp khẩn cấp người gặp nạn có thể đu xuống bằng đường ống thoát nước hoặc nhảy từ lối ban công (ở những tầng thấp). Nhưng trước khi nhảy nên chuẩn bị các dụng cụ hỗ trơ như tấm ván, cánh cửa, tủ, quần áo, chăn dày... để cản gió và hạn chế thương tổn khi tiếp đất.
Trong trường hợp bị lửa bén vào quần áo đang mặc, người gặp nạn cần ngưng chuyển động, che mặt, nằm xuống và lăn qua lăn lại trên mặt đất cho đến khi lửa được dập tắt. Bởi việc cố chạy tiếp khiến gió làm lửa cháy bùng lên. Đặc biệt, không nhảy vào hồ bơi hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi gặp lửa, khiến tình trạng bỏng thêm nặng.
Một số lưu ý an toàn trong đám cháy
- Định hướng lỗi thoát hiểm (thang bộ, hành lang)
- Lấy một miếng vải bất kì thấm nước và trùm lên người và bịt mũi để tránh bị ngạt khí
- Cúi thấp người khi di chuyển men theo bờ tường ra ngoài
- Nếu không thể thoát ra ngoài, cần chạy ra ngoài ban công; dùng khăn thấm nước để trùm lên người, bịt mũi và thu hút sự chú ý của lực lượng phòng cháy.
- Nếu bị cô lập trong đám cháy, nên tạp dựng một khu “phòng thủ” bằng cách mở cửa thông gió và nhúng vải vào nước để trùm lên người, nhét vào các khe cửa; đồng thời liên tục tạt nước ra sàn để làm dịu sức nóng
- Khi không còn lựa chọn nào khác, buộc phải nhảy thoát hiểm nhưng cần sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như dùng chăn, khăn, quần áo, tấm ván, cánh cửa, bàn… để cản gió và giảm tổn thương khi tiếp đất.