Tư vấn mua Máy rửa bát

11 bước hướng dẫn lắp đặt máy rửa bát âm tủ chính xác nhất

18/01/2024 - 10:59 AM

Bạn đã và đang chuẩn bị mua máy rửa bát âm tủ nhưng vẫn chưa biết cách lắp đặt nên muốn tìm hiểu thật kỹ các bước lắp đặt cụ thể nhằm tạo sự thuận tiện cho quá trình sử dụng. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến bạn các cách lắp máy rửa bát âm tủ chi tiết, “chuẩn chỉnh” giúp có trải nghiệm tốt nhất, hạn chế tình trạng hỏng hóc trong quá trình sử dụng do lắp đặt sai cách. Mời bạn cùng theo dõi! 

Lắp máy rửa bát âm tủ

11 bước hướng dẫn lắp máy rửa bát âm tủ “chuẩn chỉnh”, chi tiết, thuận tiện và đảm bảo toàn 

1. 4 bước chuẩn bị trước khi lắp máy rửa bát âm tủ

Để lắp đặt máy rửa bát âm tủ đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, bạn cần chuẩn bị thật kỹ càng các bước sau: 

1.1. Bước 1: Lựa chọn vị trí lắp đặt máy rửa bát âm tủ phù hợp

Máy rửa bát âm tủ là dòng máy lắp cố định, rất khó để di chuyển và thay đổi vị trí, do đó, bạn cần lưu ý chọn vị trí lắp đặt máy rửa bát phù hợp, thuận tiện và đảm bảo nhất. Cụ thể:

  • Vị trí gần nguồn điện & nước: máy rửa bát âm tủ cần điện và nước để hoạt động, do đó, bạn cần lưu ý đặt máy ở vị trí tủ bếp gần với đường điện và nước như dưới bồn rửa bát, cách nguồn điện cấp 1.5m - đây là khoảng cách lý tưởng thuận tiện cho việc lắp đặt và giúp máy rửa bát luôn hoạt động ổn định.

  • Vị trí khoang tủ bếp xa những thiết bị tỏa nhiệt lớn: không nên đặt máy rửa bát âm tủ gần các thiết bị tỏa nhiệt lớn như bếp gas, lò nướng, lò vi sóng,... để tránh tình trạng các thiết bị này tỏa nhiệt ảnh hưởng đến độ bền và khả năng hoạt động của máy. 

  • Thiết kế khoang bếp phù hợp với kích thước từng model máy: tùy từng kích thước của máy rửa bát âm tủ mà bạn thiết kế khoang tủ bếp phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo máy có thể tỏa nhiệt khi hoạt động, đồng thời tạo sự thuận tiện cho việc nối đường dây điện và nước, bạn nên để:
    • Chiều cao máy rửa bát cách thành tủ bếp tối thiểu 5mm đối với chiều sâu máy.
    • Chiều ngang máy rửa bát cách thành tủ bếp tối thiểu 5 - 10cm đối với chiều sâu máy.
  • Vị trí khoang tủ bằng phẳng - chịu tải lớn: bạn nên đặt máy rửa bát âm tủ trong khoang tủ bếp chứa ít vật dụng để nâng khả năng chịu tải. Bởi máy rửa bát có tải trọng rất lớn, nếu bạn đặt máy ở những vị trí chịu tải kém như ở đầu tủ bếp rất có thể khiến tủ bị nứt/gãy, dẫn đến lật đổ, ảnh hưởng đến tuổi thọ và hoạt động của máy. 

  • Thiết kế vị trí nối dây dẫn điện, nước trong khoang tủ bếp:
    • Đối với máy rửa bát có thiết kế dây đằng sau, bạn cần thực hiện khoan lỗ có đường kính từ 4 - 5cm ở sâu bên trong tủ bếp để thuận tiện hơn cho việc nối dây.
    • Ngược lại, nếu máy có thiết kế dây đằng trước, bạn cần thực hiện khoan lỗ ở phía trước. 

Vị trí lắp đặt máy rửa bát

Vị trí tốt nhất để đặt máy rửa bát âm tủ là ở giữa tủ bếp, ngay bên dưới bồn rửa

Để giúp bạn chọn/thiết kế kích thước khoang tủ bếp phù hợp với kích thước máy rửa bát, dưới đây SUNHOUSE sẽ đưa ra ví dụ cụ thể trên 2 dòng máy rửa bát mới nhất tại SUNHOUSE giúp bạn dễ hình dung hơn: 

  • Máy rửa bát SUNHOUSE SHB8014SMB:
    • có kích thước từ 845mm (chiều cao) x 598mm (chiều rộng) x 610mm (chiều sâu)
    • tương ứng với kích thước khoang tủ bếp có chiều cao từ 850mm trở lên, chiều rộng 604mm và chiều sâu 615 - 620mm. Nếu chiều cao tủ bị hạn chế, dưới 845mm thì bạn có thể tháo nắp trên của máy rửa bát để lắp vừa tủ. 
  • Máy rửa bát SUNHOUSE SHB8615SEB:
    • có kích thước từ 845mm (chiều cao) x 598mm (chiều rộng) x 598mm (chiều sâu)
    • tương ứng với kích thước khoang tủ bếp có chiều cao 850mm trở lên, chiều rộng 604mm và chiều sâu từ 604 - 608mm. Nếu chiều cao tủ bếp thấp hơn máy rửa bát thì 10 - 20mm, bạn có thể tháo nắp máy để lắp đặt vừa khoang tủ. 

Để tìm hiểu chi tiết, cụ thể hơn về kích thước máy rửa bát âm tủ và cách chọn/thiết kế khoang tủ bếp phù hợp, mời bạn tham khảo thêm bài viết Kích thước máy rửa bát

Kích thước máy rửa bát

Chuẩn bị kích thước khoang tủ bếp phù hợp với kích thước máy rửa bát để đảm bảo máy có thể tỏa nhiệt, hoạt động ổn định, bền bỉ 

1.2. Bước 2: Chuẩn bị dụng cụ và vật liệu trước khi lắp đặt 

Để quá trình lắp đặt máy rửa bát diễn ra thuận tiện, nhanh chóng, bạn cần chuẩn bị đủ tất cả các dụng cụ và vật liệu sau trước khi lắp đặt: 

  • Ống xả nước/dẫn nước: loại ống có đường kính nhỏ 3 - 4 inch, bề mặt nhẵn 

  • Tua vít

  • Khoan

  • Băng keo

  • Mỏ lết 

Dụng cụ lắp máy rửa bát

Dụng cụ cần chuẩn bị để lắp đặt máy rửa bát âm tủ 

1.3. Bước 3: Quan sát - Kiểm tra nguồn điện và nguồn nước 

Đường điện và đường nước máy rửa bát âm tủ được lắp âm sâu trong tủ bếp, nếu không kiểm tra kỹ càng rất dễ lắp đặt sai dẫn đến tình trạng tháo dỡ lắp đặt lại nhiều lần, tốn nhiều thời gian, công sức.

​​​​​​​Chính vì thế, để đảm bảo quá trình lắp đặt luôn diễn ra an toàn, máy rửa bát luôn hoạt động ổn định bạn cần kiểm tra nguồn điện và nguồn nước trước khi lắp đặt như sau:

1 - Đối với nguồn điện: 

Thông thường, nguồn điện và tần số của máy rửa bát âm tủ sẽ là 220V và 50Hz, do đó, bạn cần kiểm tra, đảm bảo nguồn điện cấp và tần số của gia đình phù hợp với máy rửa bát. Nếu nguồn điện của gia đình là nguồn điện 110V thì bạn cần chuẩn bị thêm máy biến áp 110/220V - 3000W, để chuyển đổi dòng điện cho phù hợp. 

Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm tra xem phích cắm của máy rửa bát âm tủ với ổ điện của gia đình có phù hợp không. Nếu không phù hợp, bạn nên thay ổ cắm mới, tuyệt đối không dùng bộ chuyển đổi, vì rất dễ dẫn đến hiện tượng quá nhiệt dẫn đến cháy nổ. 

Kiểm tra phích cắm của máy rửa bát

Cần kiểm tra và đảm bảo phích cắm của máy rửa bát âm tủ phù hợp với ổ cắm điện của gia đình 

2 - Đối với nguồn nước: 

Bạn cần lựa chọn vị trí lắp đặt và kiểm tra đường dẫn nước vào máy rửa bát âm tủ sao cho mức áp suất nước đạt 0.03 Mpa - 1 Mpa để giúp máy được hoạt động ổn định. Nếu áp suất nước vào thấp hơn mức này khi khởi động máy sẽ báo lỗi nguồn nước yếu/không đủ nước khiến máy không thể thực hiện chương trình rửa. 

Đối với đường dẫn nước xả, cần nối đường ống cách máy từ 50cm - 110cm, để đảm bảo nước được xả hết ra ngoài mà không bị dốc ngược lại, ảnh hưởng đến hiệu quả làm sạch.

1.4. Bước 4: Đọc kỹ hướng dẫn lắp đặt đính kèm 

Khi mua máy rửa bát, nhà sản xuất sẽ cung cấp tài liệu hướng dẫn lắp đặt đi kèm, bạn cần đọc thật kỹ để đảm quá trình lắp đặt được diễn ra đúng theo khuyến cáo hoặc dễ dàng giám sát quy trình lắp đặt (trong trường hợp không tự lắp đặt). Từ đó, nếu phát sinh các lỗi kỹ thuật cũng sẽ được bảo thành theo đúng cam kết ban đầu. 

Hướng dẫn sử dụng máy rửa bát

Cần đảm bảo đọc kỹ hướng dẫn sử dụng & lắp đặt đi kèm khi mua máy rửa bát âm tủ để đảm bảo lắp đúng theo quy trình mà nhà sản xuất đã khuyến cáo 

2. 5 bước lắp đặt máy rửa bát âm tủ 

Để lắp máy rửa bát âm tủ vào khoang tủ bếp nhanh chóng, dễ dàng và đúng cách, bạn cần thực hiện theo các bước sau: 

2.1. Bước 1: Đi đường nước và đường điện cho máy rửa bát âm tủ 

Nếu khoang tủ bếp của gia đình đã có sẵn lỗ đi đường nước, điện cho máy rửa bát âm tủ thì bạn không cần phải mất thời gian để khoan thêm lỗ mà có thể thực hiện nối ngay. Trong trường hợp tủ bếp không có lỗ sẵn thì bạn cần phải thực hiện khoan khoảng 3 lỗ mới, mỗi lỗ có đường kính 4 - 5cm để đi đường dẫn nước, đường xả nước và đường điện.

​​​​​​​Cụ thể cách đi đường nước, điện cho máy rửa bát âm tủ như sau:

1- Đường ống dẫn nước:

  • Khóa van nước cấp đầu vào của gia đình để tránh rò rỉ nước ra sàn nhà trong quá trình lắp đặt.

  • Dùng đầu nối ren 3/4 inch nối 1 đầu ống nước vào nguồn nước cấp của gia đình, tiếp đến dùng mỏ lết vặn chặn thêm 1 đến 2 vòng để cố định.

  • Dẫn đầu còn lại của ống nước vào 1 trong 3 lỗ đã khoan nước đó tùy theo loại máy rửa bát âm tủ có thiết kế đường ống dẫn nước, dây điện ở đằng trước hoặc đằng sau.
  • Tiếp tục dùng đầu nối ren 3/4 inch và mỏ lết để cố định thật chặt để tránh rò rỉ trong quá trình sử dụng. 
  • Mở nguồn cấp nước đầu vào của gia đình để nước có thể đi qua đường ống vào máy rửa bát. 

Lắp đường ống cho máy rửa bát

Cách lắp đường ống dẫn nước cho máy rửa bát âm tủ 

2- Đường ống xả nước:

  • Nối đường ống xả nước của máy rửa bát âm tủ với ống thoát nước của bồn rửa hoặc đường nước thải của gia đình. 

  • Gỡ phần ống chữ U của ống thoát nước bồn rửa bát hoặc đường nước thải của gia đình. 

  • Ống xả nước của máy rửa bát âm tủ sẽ nằm cạnh ống dẫn nước. Do đó, bạn tiếp tục dùng đầu nối ren 3/4 inch để cố định đầu đường ống xả nước với máy rửa bát âm tủ rồi tiếp tục dẫn đường ống qua qua lỗ khoan đã được khoan sẵn bên cạnh lỗ khoan đường ống dẫn nước để kéo ống ra ngoài.

  • Cố định đầu ống xả nước vừa dẫn ra ngoài vào đường ống thoát nước rửa bát hoặc đường nước thải đã được tháo sẵn trước đó.  

  • Dùng băng dính cuốn khoảng 15 vòng quanh mối nối đường ống xả nước máy rửa bát âm tủ và đường ống thoát nước máy rửa bát để tránh rò rỉ nước.

  • Đảm bảo đường ống xả nước (vị trí nối giữa đường ống xả nước máy rửa bát âm tủ và đường ống thoát nước máy rửa bát) không dài hơn 110cm để nước có thể thoát hoàn toàn ra ngoài và không bị đọng lại trong khoang rửa, ảnh hưởng đến khả năng làm sạch của máy.

  • Nếu đường ống quá dài, bạn có thể dùng giá treo được nhà sản xuất cung cấp khi mua máy rửa bát để treo ống thoát nước lên tường, tránh ống bị gấp khúc hoặc người dùng vô tình đạp phải khiến ống bị vỡ. 

Lắp đường ống xả nước cho máy rửa bát

Các bước lắp đặt đường ống xả nước cho máy rửa bát âm tủ 

3- Đường dẫn điện: 

  • Ngắt nguồn điện tổng của gia đình để đảm bảo an toàn khi lắp đặt.
  • ​​​​​​​Luồn phích cắm của máy rửa bát âm tủ qua lỗ khoan còn lại trong tủ bếp rồi cắm vào ổ điện của gia đình.
  • Nếu ổ điện ở quá xa, phích cắm của máy rửa bát âm tủ không đủ, bạn có thể nối thêm dây điện cho dây dài ra. Tuy nhiên, cần đảm bảo mối nối được nối chặt, không gây rò rỉ điện.

  • Cắm phích điện máy rửa bát vào ổ điện của gia đình. Lưu ý không nên cắm chung máy rửa bát âm tủ với các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng như tủ lạnh, lò vi sóng, lò nướng,... để tránh dẫn đến tình trạng quá tải, gây nguy hiểm. 

Để dễ hình dung, quan sát cách đi đường nước và đường điện cho máy rửa bát âm tủ một cách trực quan, rõ ràng và chi tiết hơn, mời bạn tham khảo thêm video dưới đây của SUNHOUSE: 

2.2. Bước 2: Đặt máy vào đúng vị trí 

Đặt máy rửa bát vào khoang tủ, đảm bảo bên dưới khoang tủ không chứa bất kỳ vật nào khiến máy rửa bát bị vênh, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động. Bạn có thể dùng vít và máy khoan để cố định máy rửa bát âm tủ vào thành khoang tủ bếp giúp máy luôn vận hành ổn định, không lật đổ.

Cố định máy rửa bát vào khoang bếp

Dùng khoan và vít để cố định máy rửa bát âm tủ vào thành khoang tủ bếp giúp máy hoạt động ổn định, không lật đổ 

2.3. Bước 3: Điều chỉnh độ cao của máy rửa bát âm tủ 

Bạn tiếp tục dùng tua vít vặn chân vịt ở phần chân đế của máy rửa bát âm tủ để điều chỉnh độ cao chân trước và sau sao cho nắp máy cách phần trên khoang tủ khoảng 5mm. Điều này giúp đảm bảo máy có thể tỏa nhiệt hiệu quả khi hoạt động.

2.4. Bước 4: Kiểm tra độ xô lệch của máy rửa bát 

Máy rửa bát âm tủ khi đặt vào khoang tủ bếp cần thật bằng phẳng, không bị xô lệch mới đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu suất làm sạch phát huy ở mức tối đa nhất. Bạn có thể dùng thước đặt ở cửa và rãnh 2 bên của máy rửa bát âm tủ để kiểm tra xem máy có bằng phẳng không. 

Nếu máy rửa bát chưa hoàn toàn bằng phẳng, bạn thực hiện điều chỉnh độ cao chân máy sao cho phù hợp. Khi cân bằng máy rửa bát âm tủ, cần chú ý không để bất kỳ đồ vật nào lên trên nắp máy để tránh việc cần bằng chân máy bị lệch. 

Kiểm tra máy rửa bát

2.5. Bước 5: Thao tác lắp máy rửa bát âm tủ vào khoang tủ 

Máy rửa bát âm tủ bao gồm âm toàn phần (ẩn hoàn toàn trong tủ bếp, không lộ ra ngoài) và bán âm (lộ một phần bảng điều khiển).

​​​​​​​Hai loại máy này có cách lắp đặt giống nhau, chỉ khác biệt một chút ở cách ốp gỗ mặt trước máy. Cụ thể: 

2.5.1. Thao tác lắp máy rửa bát âm tủ bán phần 

Máy rửa bát âm bán phần có bảng điều khiển ở phía ngoài của máy rửa bát nên khi ốp gỗ cho cửa máy chỉ ốp phần từ dưới bảng điều khiển trở xuống. Cụ thể:

  • Dùng thước đo từ bảng điều khiển xuống cuối cửa từ máy để chọn kích thước miếng gỗ ốp phù hợp.

  • Mở cửa máy rửa bát âm tủ ra hết cỡ để xác định vị trí vít được cố định trên mép cửa. Lưu ý, không nên kéo cửa quá mạnh để tránh làm hỏng cơ cấu khóa của cửa máy. 

  • Dùng tua vít tháo các ốc cố định cửa máy rửa bát âm tủ, sau đó dùng hai tay nắm chặt cửa máy, kéo thẳng và nhấc cửa máy ra khỏi máy rửa bát âm tủ.

  • Dùng keo dán gỗ chuyên dụng để dán miếng gỗ ốp đã chuẩn bị trước đó vào mặt trước cửa máy rửa bát âm tủ. Lưu ý không được làm rơi keo dán vào bảng điều khiển để tránh gây hư hỏng.

  • Đợi keo khô, miếng ốp gỗ đã dính chặt vào cửa máy, thì dùng tua vít cố định lại cửa máy.

  • Đổi các ốc ngăn cố định máy rửa bát âm tủ đã tháo trước đó thành vít dài, vì cửa máy đã được ốp thêm lớp gỗ nên ốc ngắn sẽ không đủ độ dài để cố định. 

  • Dùng tua vít vặn các ốc vào vị trí cũ để cố định lại cửa máy rửa bát âm tủ bán phần. 

Lớp cửa của máy rửa bát

Thao tác lắp cửa máy rửa bát âm tủ bán phần (ảnh minh họa)

2.5.2. Thao tác lắp máy rửa bát âm tủ toàn phần

Máy rửa bát âm tủ toàn phần được trang bị bảng điều khiển bên trong cửa máy rửa bát, nhằm để cửa máy có thể ốp được toàn bộ gỗ đồng bộ với tủ bếp, giúp nâng cao tính thẩm cho không gian.

​​​​​​​Cụ thể cách lắp máy rửa bát âm tủ toàn phần như sau: 
  • Dùng thước đo và cắt miếng ốp gỗ bằng mặt cửa trước máy rửa bát âm toàn phần, lưu ý cần thiết kế thêm tay nắm để có thể đóng/mở máy rửa bát dễ dàng. 

  • Dùng tua vít vặn các ốc cố định trên cửa tủ máy âm tủ toàn phần để tháo cửa tủ ra khỏi máy. 

  • Dùng keo dán chuyên dụng, dán miếng ốp gỗ vào cửa máy rửa bát, cần căn chỉnh thật khít, tránh dán lệch, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ.

  • Sau khi keo khô thì cố định lại cửa máy vào vị trí cũ trên máy rửa bát bằng ốc dài. 

Thao tác lắp đặt máy rửa bát

Thao tác lắp đặt cửa máy rửa bát âm toàn phần 

3. 2 bước cần làm sau khi lắp máy rửa bát âm tủ

Sau khi lắp máy rửa bát, bạn cần thực hiện kiểm tra tổng quan và vận hành máy rửa bát âm tủ để đảm bảo máy hoạt động ổn định, không xảy ra bất kỳ trục trặc nào, giúp máy luôn bền, nâng cao hiệu quả làm sạch. 

3.1. Bước 1: Kiểm tra tổng thể sau khi lắp máy rửa bát âm tủ 

Bạn cần kiểm tra lại toàn bộ đường điện, đường nước, các ốc vít và cửa ốp gỗ đã được lắp đặt vào máy rửa bát. Cụ thể: 

  • Đảm bảo đường ống dẫn nước, xả nước đã nối vào máy rửa bát âm tủ không bị gấp khúc, bẹp hoặc bị vặn, ảnh hưởng đến khả năng cấp nước và xả nước cho máy.

  • Kiểm tra các đầu nối ren 3/4 inch và mối điện thật kỹ càng để đảm bảo không bị rò rỉ trong quá trình sử dụng.

  • Kiểm tra phần cửa trước đã được ốp gỗ để đảm bảo gỗ đã được ốp chặt, kín, không bong tróc hoặc hở khi vận hành máy.

  • Kiểm tra lại toàn bộ chân máy, bề mặt bên dưới của máy, để đảm bảo máy đã được đặt bằng phẳng, không vênh hoặc nghiêng. 

Kiểm tra tổng thể máy rửa bát

Kiểm tra tổng thể máy rửa bát âm tủ như đường điện, nước, miếng ốp gỗ,... để đảm bảo không bị rò rỉ hoặc gấp khúc,...

3.2. Bước 2: Vận hành máy rửa bát 

  • Lắp giá đỡ vào máy rửa bát âm tủ, cắm nguồn điện và khởi động bảng điều khiển bên ngoài (đối với máy rửa bát âm bán phần) hoặc bên trong cửa máy (đối với máy rửa bát âm bán phần).
  • Kiểm tra toàn bộ nút bấm chức năng trên bảng điều khiển để đảm bảo tất cả các nút hoạt động bình thường. Nếu xảy ra lỗi, bạn cần liên hệ ngay đến bộ phận kỹ thuật viên để được hỗ trợ.
  • Tiếp đến, mở nguồn nước cấp, van xả nước cho máy rồi khởi động một chu trình rửa cơ bản để kiểm tra hoạt động của máy rửa bát âm tủ. Nếu máy hoạt động không ồn, không quá rung, vị trí máy ổn định, kết thúc chương trình rửa đúng như đã cài đặt, không xảy ra báo lỗi,... thì máy đã hoạt động ổn định và bạn đã có thể xếp bát đĩa vào máy để rửa. 

Bài viết trên đã chia sẻ đến bạn tất tần tật: các bước lắp máy rửa bát âm tủ chuẩn chỉnh, chi tiết, thuận tiện và an toàn khi sử dụng. Hy vọng với thông tin từ bài viết đã giúp bạn có thể tự thực hiện lắp máy rửa bát âm tủ ngay tại nhà dễ dàng và nhanh chóng. Nếu bạn còn thắc mắc nào khác, hãy để lại bình luận bên dưới, SUNHOUSE sẽ giải đáp giúp bạn nhanh chóng nhất! 

Bình luận Facebook
Bình luận
Bài viết liên quan
Bạn đang có ý định mua máy rửa bát nhưng lại chưa biết máy rửa bát rửa được những gì nên muốn tìm hiểu thật kỹ để xem có phù hợp và tối ưu được nhu cầu sử dụng của gia đình hay không? Máy rửa bát hoạt động dựa trên cơ chế tay phun tạo ra tia nước cực mạnh kết hợp với luồng khí nóng để làm sạch và sấy khô nên không phải loại vật dụng nào cũng có thể rửa bằng máy rửa bát. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến bạn những nhóm vật dụng có thể và không thể rửa bằng máy rửa bát, giúp bạn có cách sử dụng đúng, hiệu quả nhất.
Chi tiết
Bạn đang có ý định mua máy rửa bát nhưng không biết nên mua máy rửa bát bao nhiêu bộ, công suất như thế nào để phù hợp với số thành viên trong gia đình? SUNHOUSE sẽ gợi ý mẹo chọn máy rửa bát theo số bộ chén đĩa chuẩn nhất dưới đây. Mời bạn tham khảo!
Chi tiết
1800 6680
Top