Chỉ với nguyên liệu đơn giản và rất dễ tìm là trái vải và đậu xanh, bạn đã có thể tạo ra 1 món chè thanh mát, dễ ăn mà không lo bị nóng.
Vải chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa polyphenol và nhiều loại vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tim, ung thư và tiểu đường.
Vải có vị ngọt thanh mát rất dễ ăn nên đây là loại trái cây yêu thích của rất nhiều người. Tuy nhiên, nhiều người lo sợ vải có tính nóng nên không dám ăn. Để không bỏ phí loại trái cây hấp dẫn này, chúng tôi gợi ý bạn kết hợp trái vải và đậu xanh để tạo nên món chè ngon, bổ mà không lo bị nóng trong người.
Chè vải đậu xanh có vị ngọt không quá gắt mà thanh mát từ cùi vải tươi kết hợp với những hạt đậu xanh bùi bùi làm cho món chè trở nên hấp dẫn không thể chối từ.
Dưới đây là nguyên liệu chuẩn bị cho 4 người, nếu bạn muốn nấu cho nhiều người hơn thì vẫn có thể dựa vào tỷ lệ này để tăng giảm các nguyên liệu theo sở thích
- 50g đậu xanh
- 500g vải (nên chọn vải thiều)
- 200g đường
- Dụng cụ: Nồi inox 2 lít trở lên, bát, thìa,…
Bước 1: Đậu xanh ngâm nước qua đêm, đãi sạch vỏ
Bạn nên ngâm 6 tiếng bằng nước lạnh, còn nếu muốn nhanh bạn có thể ngâm bằng nước ấm trong vòng 2 giờ nhưng như thế đậu xanh sẽ không bở như khi ngâm nước lạnh.
Vỏ đậu xanh là nguồn chất xơ rất tốt nên nếu muốn ăn cả vỏ thì bạn chỉ cần rửa sạch mà không cần đãi vỏ.
Bước 2: Vải bóc vỏ, bỏ hột, lấy phần cùi ngâm trong nước sôi nguội khoảng 2 giờ.
Để chọn vải ngon, khi mua bạn nên chọn quả có vỏ mỏng, căng, cuống còn tươi, màu đỏ thâm không bị dập, nát.
Thái quả vải ra làm 2, sau đó đem luộc cùng 1 lít nước, khi nước sôi vặn lửa nhỏ trong vòng 1 giờ, sau 1 giờ cho đậu xanh vào đun cùng.
Nếu bạn muốn trái vải không quá mềm mà vẫn giữ được độ giòn dai thì có thể giảm thời gian đun xuống còn 40 phút trước khi cho đậu xanh vào.
Bước 3: Khi đậu xanh đã mềm và nở hết, cho thêm đường cho vừa khẩu vị, khuấy đều đun thêm 5 phút nữa cho đường ngấm.
Bạn có thể tùy chỉnh lượng đường nhiều ít để phù hợp với khẩu vị của gia đình. Lưu ý chỉ nên khuấy nhẹ, không nên khuấy quá nhiều sẽ khiến chè bị nát.
Bước 4: Sau đó để chè vải đậu xanh nguội, múc ra bát, cho thêm cùi vải ướp lạnh và đá vào và thưởng thức.
Khi thưởng thức món chè muốn món chè vải đậu xanh thơm hơn bạn có thể cho thêm một chút hoa nhài vào món chè sẽ có vị thơm thanh nhã.
Như vậy, chỉ với 4 bước đơn giản bạn đã thực hiện được nấu chè vải đậu xanh cho cả gia đinh và bạn bè vào mùa hè mà không sợ nóng rồi. Chúc các bạn thành công với món chèn vải đậu xanh