Thời tiết khô hành, chập điện, rò rỉ khí gas… đều có thể là nguyên nhân gây cháy nổ. Trong những trường hợp cháy nổ bạn cần biết các kĩ năng thoát hiểm cơ bản để hạn chế nguy cơ bị bỏng.
1. Định hướng lối thoát hiểm
Trong trường hợp phát hiện cháy nổ, bạn cần kiểm tra xung quanh để xác định lối thoát hiểm, hành lang chạy ra ngoài. Việc này sẽ giúp bạn bình tĩnh và thoát hiểm nhanh hơn sau khi đã hình dung được hướng đi.
2. Chú ý khi mở cửa
Bạn không thể biết tình hình bên ngoài đám cháy đang diễn ra như thế nào? Bởi rất có thể, nguyên nhân gây cháy nổ không xuất phát từ trong phòng bạn đang đứng. Do đó, bạn nên dùng tay sờ thử cánh cửa hoặc tay cầm xem có nóng không và chỉ nên mở hé cửa từ từ để tránh bị sức nóng của lửa thổi vào người.
3. Hạn chế khói độc
Một mảnh vải xé từ quần, áo, khăn mặt… đều có thể trở thành mặt nạ phòng độc trong trường hợp khẩn cấp. Bạn nên dùng một miếng vải đã thấm nước để bịt mũi và ngậm một phần vào miệng giúp lọc khí, đề phòng ngạt thở. Ngoài ra, bạn cũng nên cúi thấp người khi di chuyển để tránh hít phải nhiều khói độc.
4. Men theo bờ tường
Trong đám cháy ở các khu vực đông người, bên cạnh nguy cơ bị bỏng, bạn còn có thể bị thương trong quá trình chạy thoát hiểm do dẫm đạp lên nhau, khó có thể gượng dậy được. Đi men theo bờ tường không chỉ giúp xác định phương hướng tốt hơn mà còn tránh bị xô ngã.
5. Dùng vải trùm người
Khi bị lửa táp vào người, càng bỏ chạy sẽ càng khiến lửa cháy mạnh và dễ bị bỏng hơn. Lúc này bạn cần dùng vải, khăn, quần áo, hay chăn to thấm nước và ốp mạnh quanh người để giảm sức nóng và hạn chế tối đa nguy cơ bị bỏng.
6. Trong vòng vây của lửa
Khi bạn lâm vào tình trạng bị khói lửa cô lập, không thể thoát ra khỏi phòng, bạn nên tạo dựng một khu vực “phòng thủ” trong khi chờ cứu hỏa đến. Lúc này, bạn cần mở cửa để thông gió, thậm chí dùng vật phá cửa sổ thông gió và nhúng khăn , vải, quần áo vào nước để nhét vào các khe cửa; liên tục tạt nước ra sàn và tường để làm dịu sức nóng.
7. Khi không còn sự lựa chọn nào khác
Trong trường hợp khẩn cấp, không còn bất kì sự lựa chọn nào khác để thoát ra khỏi đám cháy, bạn buộc phải chọn giải pháp nhảy thoát hiểm. Tuy nhiên, bạn cần tạo cho mình các dụng cụ hỗ trợ trước khi nhảu: dùng khăn, màn, quần áo, thảm… nắm chặt vào tay để cản gió, làm giảm tổn thương hoặc ôm một tấm ván, cảnh cửa, bàn… để nhảy chung và biến những vật đó thành “vật thế thân” khi tiếp đất.
Đề phòng cháy nổ trong gia đình
- Tất cả cầu dao, cầu chì trong nhà phải dùng nắp đậy, khi phát hiện dây điện bong tróc lớp cách điện phải sửa lại.
- Khi có trường hợp chập điện càn tắt ngay cầu dao và báo động mọi người ra khỏi nhà
- Phải chú ý khóa van an toàn khi dùng bếp gas và kiểm tra rò rỉ khí gas
- Nếu bảo quản hóa chất trong nhà cần chia thành nhiều khu vực, kho riêng theo mức độ cháy nổ để đảm bảo an toàn.