“Doanh số thị trường miền Nam của Sunhouse giảm tới 80%, nhưng doanh thu tổng của tập đoàn tăng ít nhất 10%”, Shark Nguyễn Xuân Phú tâm sự. Cuộc trò chuyện qua Zoom kéo dài chừng 1 tiếng, thi thoảng bị chen ngang bởi tiếng còi hú của xe cứu thương. Ông Phú ngồi trong phòng làm việc tại nhà máy Sunhouse Quốc Oai – một huyện tại Hà Nội sau 16 ngày chưa có ca nhiễm mới. Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, ông chưa nghỉ ngày nào, và vẫn vững niềm tin trong nguy nan sẽ có cơ hội.
* Trong một talkshow ngay đầu dịch Covid-19 hồi năm 2020 do CafeBiz tổ chức, anh từng nhận định "Trong nguy có cơ", trong đại dịch sẽ có cơ hội. Sau một năm rưỡi chống chọi với đại dịch, anh có còn giữ nguyên nhận định ấy?
Ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Sunhouse: Chắc chắn. Tôi nghĩ sẽ nhiều cơ hội với những doanh nghiệp có tiềm lực. Nguyên tắc tài sản vẫn thế, lúc nhu cầu thấp thì giá xuống. Ai có tiền sẽ có cơ hội.
* Anh nhìn thấy cơ hội của Sunhouse trong Covid thế nào?
Chúng tôi đẩy mạnh mảng xuất khẩu. Các thị trường quốc tế như Châu Âu, Mỹ hồi phục mạnh, cơ hội cao. Hiện hai nhà máy xuất khẩu của chúng tôi phải chạy hết công suất và vẫn tiếp tục tuyển dụng, tăng người. Sunhouse đang dồn toàn lực cho mảng này.
Với thị trường nội địa, chúng tôi tập trung vào mảng online. Đây là cơ hội và là động lực để chuyển đổi số. Bình thường có thể do lười, nay buộc phải nghĩ ra cách để online.
* Tôi có thấy gian hàng chính hãng của Sunhouse trên Lazada và Shopee. Một nhà sản xuất đồ bếp truyền thống như Sunhouse dịch chuyển lên online thế nào?
Thực ra online hay offline, bản chất gốc vẫn giống nhau. Hình thái giao dịch hàng hóa từ cổ đại đến giờ là nơi để giao thương giữa người mua và người bán. Xa xưa người mua và người bán giao dịch một tụ điểm, chợ truyền thống, sau này hiện đại hơn là những trung tâm thương mại, khi có internet thì các không gian ảo trên mạng – các sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Trong thời đại số, người mua hàng thay vì đến tận nơi thì qua đường truyền internet, xem và đặt hàng được. Về bản chất, TMĐT vẫn là nơi người mua và người bán gặp nhau, chỉ là cách thức gặp nhau khác. Dịch bệnh khiến chúng ta không thể di chuyển vật lý, buộc phải tìm công cụ mới. Các doanh nghiệp phải chuyển đổi, Sunhouse cũng không ngoại lệ.
* Các shop online thường livestream bán hàng. Anh Phú có nghĩ mình sẽ livestream bán chảo sau trải nghiệm bán hàng trên Shark Tank Việt Nam?
Có khả năng chứ! Là một lãnh đạo, khi mình tham gia sẽ là nguồn động viên, truyền lửa cho anh em. Mình sẽ phải là người dẫn đầu.
* Covid cũng là bước ngoặt của nhiều doanh nghiệp. Nhìn lại hoạt động của doanh nghiệp mình, anh Phú thấy đâu là điểm tự hào về đội ngũ nhân viên và những điều làm được của Sunhouse trong thời buổi khó khăn này?
Có nhiều điểm để tự hào về người Sunhouse trong giai đoạn này. Tôi thấy sự nhiệt huyết của anh em, đặc biệt người lao động dưới nhà máy trong điều kiện ăn ở rất khó khăn, phải xa gia đình. Tôi thấy nhiều chị em phụ nữ có con nhỏ, họ đã chấp nhận xa gia đình, xa con mình để đồng hành cùng công ty.
Tôi thấy cả những anh em khối kinh doanh ở nhà nhưng vẫn sáng tạo, tìm mọi cách tiếp cận khách hàng, bán hàng, đồng hành cùng cộng đồng hỗ trợ cho vùng dịch bệnh. Bản thân cán bộ nhân viên miền Nam có một vài trường hợp vì đi cứu trợ, mà 4 - 5 anh em đều trở thành F0, dù trang bị đầy đủ bảo hộ… Điều ấy thể hiện rất tốt tố chất của con người Sunhouse.
Lên Shark Tank, về bản chất, chúng tôi cũng xác định như các case study giúp giới startup cũng như người dân hiểu hơn về câu chuyện kinh doanh, chứ không đặt mục tiêu quá nặng về việc thành công và kiếm được tiền. Tất nhiên nếu may mắn, như đầu tư mạo hiểm, 10 thương vụ được 1 vụ đã rất may rồi. Thế nên, chúng tôi không bị sức ép về việc phải thành công cho startup mà cố gắng hỗ trợ các bạn ở mức tối đa, khuyến khích các bạn tự trưởng thành.
* Mùa này Shark Phú có vẻ lựa chọn startup kỹ tính hơn, và rất hứng thú với các startup công nghệ. Đã có startup nào trong mùa 4 anh thấy ưng ý và chuẩn bị rót vốn chưa?
Tôi xác định lựa chọn những statup chung hệ sinh thái của Sunhouse, nếu phát triển sẽ giúp Sunhouse phát triển và ngược lại.
AnHome về smarthome, liên quan đến đồ gia dụng thông minh trong gia đình, phù hợp với định hướng của Sunhouse; hay Nobita.pro là startup hỗ trợ các startup bán hàng online. Đấy là 2 startup rất phù hợp trong giai đoạn chuyển đổi số, chúng tôi tính sẽ rót vốn ngay khi hết phong tỏa.
* Có khá nhiều lời khuyên khác nhau cho các startup trong giai đoạn này, mà bản thân các Shark cũng có nhiều lời khuyên thậm chí trái ngược nhau. Nếu chỉ dùng 1 từ để khuyên startup trong giai đoạn khó khăn này, anh sẽ khuyên gì?
Hoàn cảnh của các startup không giống nhau, không thể dùng chung một lời khuyên. Chỉ có mình hiểu mình thôi, không nên nghe xung quanh. Chúng ta lắng nghe để chúng ta học, còn để áp dụng thì chỉ có mình hiểu mình thì mới ra được quyết định đúng đắn. Quan điểm của tôi là không nên nghe xong bắt chước một ai đó.
Mọi case study, giống như khi ta đi học, học xong áp dụng được không thì chưa biết, bởi còn tùy mỗi người. Tôi sẽ không dành lời khuyên cụ thể cho startup nào cả. Những case study tôi đưa ra trên chương trình như vậy, còn ứng dụng được hay không phải do những startup tự lượng sức mình, nội tại của mình để đưa ra quyết định phù hợp. Không có lời khuyên nào mang tính thành công cho tất cả mọi người.
* Shark Phú của Shark Tank mùa 2 không xài Facebook, còn Shark Phú của Mùa 4 thì đã có Facebook, Fanpage, và đôi khi còn chia sẻ cả hình ảnh gia đình. Sau khi bước chân vào thế giới cộng đồng mạng, anh thấy thế nào?
Thực ra tôi không có nhiều thời gian để quan tâm đến cộng đồng mạng. Facebook như nơi mình chia sẻ quan điểm cá nhân hợp lý, vì thế tôi chỉ tham gia ở mức độ hợp lý, với sự tư vấn của các bạn nhân viên trẻ. Tôi già rồi, mắt kém, lười đọc điện thoại, nên chỉ tham gia với mức độ hạn chế thôi.
* Xin cảm ơn anh!
Nguồn: https://cafebiz.vn/shark-phu-tiet-lo-muc-luong-hien-tai-o-sunhouse-niem-tin-trong-nguy-co-co-va-2-startup-se-rot-von-khi-het-gian-cach-20210829121601169.chn