Doanh nghiệp rót vốn lớn vào nhà máy, nghiên cứu và phát triển sản phẩm nhằm tự chủ sản xuất, sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngày 28/11/2019, tại cụm công nghiệp Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội, SUNHOUSE khánh thành nhà máy Sunhouse Lighting với dây chuyền sản xuất
bóng đèn LED xuất Mỹ. Việc bổ sung thêm dây chuyền này là bước hoàn thiện nhà máy sản xuất bóng đèn của Sunhouse, hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 100% trong sản xuất bóng đèn.
Còn đối với người đứng đầu tập đoàn, ông Nguyễn Xuân Phú, đây mới chỉ là những bước đầu tiên trong hành trình dài chinh phục thị trường ngành hàng điện dân dụng đầy cơ hội và thách thức.
Nhà máy bóng đèn SUNHOUSE ngày khánh thành dây chuyền sản xuất đèn LED.
Trên diện tích 7.500m2, nhà máy bóng đèn SUNHOUSE hoạt động với 4 dây chuyền sản xuất khép kín theo công nghệ châu Âu, công suất tối đa ước tính đạt hơn 1,5 triệu sản phẩm mỗi năm. Đây là nhà máy sản xuất thứ 4 do doanh nghiệp đầu tư phát triển, sau nhà máy sản xuất gia dụng SUNHOUSE, nhà máy nhôm nhựa ALUBA, và nhà máy vi mạch NARAE SUNHOUSE SYSTEM.
Năm 2019 cũng đánh dấu cột mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của SUNHOUSE, khi tập đoàn chuyển đổi chiến lược kinh doanh, từ số lượng sang chất lượng. Doanh nghiệp mục tiêu phát triển đồng bộ về các lĩnh vực sản xuất mạch, nhựa, cơ khí, khuôn, điện tử, điện lạnh...
Bởi theo Chủ tịch Tập đoàn SUNHOUSE, đây là hướng đi cần có của mỗi doanh nghiệp nội địa trước làn sóng dịch chuyển FDI. "Doanh nghiệp nội cần làm chủ về công nghệ và dây chuyền sản xuất, bên cạnh việc chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân công. Nếu không làm được điều đó, Việt Nam cũng chỉ là nơi né thuế, là bến đỗ tạm thời mà thôi", ông Nguyễn Xuân Phú nói.
Đầu tư mạnh cho các nhà máy
Với tâm thế đó, tập đoàn rót nguồn vốn lớn vào các nhà máy mới, hoàn thiện chuỗi sản xuất, xây dựng bộ quy chuẩn cho các dòng sản phẩm theo chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào 3 nhà máy sản xuất vi mạch, nhà máy ép khuôn nhựa và nhà máy lắp ráp.
7 triệu USD là số vốn mà SUNHOUSE đầu tư cho nhà máy vi mạch Narae. Nhà máy ứng dụng dây chuyền và công nghệ Hàn Quốc, theo tiêu chuẩn nhà cung cấp cấp 1 của Samsung. Theo đại diện doanh nghiệp, hệ thống máy móc, công nghệ phòng sạch, phòng lưu trữ, đội ngũ nhân sự quản lý, địa điểm đặt nhà máy... đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra và an toàn cho môi trường xung quanh.
Nhà máy vi mạch Narae SUNHOUSE System.
Mục tiêu của SUNHOUSE là đưa nhà máy thành đơn vị chuyên cung cấp linh kiện, thiết bị mạch điện tử công nghệ cao cho các đối tác lớn như Samsung Electronic Vietnam, LG Inoteck Vietnam.... Bên cạnh đó, Narae cũng phục vụ nhu cầu bản mạch điện tử của một số dòng sản phẩm điện lạnh, điện gia dụng của SUNHOUSE tại thị trường nội. Hiện nay, nhà máy đạt công suất trung bình đạt 10 triệu chi tiết mỗi tháng.
"Trải qua thời gian đầu khó khăn bắt nhịp công nghệ mới và biến động thị trường ảnh hưởng bởi Covid-19, đến nay công ty đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận", đại diện doanh nghiệp cho biết.
Theo đó nhà máy Narae Sunhouse System đã hợp tác thành công với các công ty lớn chuyên cung cấp sản phẩm mạch điện tử cho nhà máy Samsung Electronic Vietnam như: Công ty Dreamteck Vina, ITM semiconductor Vietnam... trong gia công bản mạch điện tử. Đơn vị này cũng bắt tay vào sản xuất bản mạch điện tử cho Công ty TNHH Anker, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sạc điện thoại cho thị trường Bắc Mỹ.
Hệ thống trang thiết bị hiện đại tại nhà máy vi mạch Narae.
Đầu năm 2019, doanh nghiệp cũng ra mắt nhà máy nhựa Aluba với 30 cụm máy ép nhựa và robot được chuyển giao từ Hàn Quốc, đạt sản lượng trung bình 3 triệu sản phẩm mỗi tháng. Trong tương lai, cùng kế hoạch mở rộng nhà máy tại khu công nghiệp Ngọc Liệp, SUNHOUSE dự định mở rộng hoạt động sản xuất tại tỉnh Hưng Yên.
Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển sản phẩm
Bên cạnh việc mở rộng sản xuất, doanh nghiệp Việt cũng chứng tỏ sự đầu tư mạnh mẽ trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Theo đại diện doanh nghiệp, để kiểm tra chất lượng đồ gia dụng, SUNHOUSE đã đầu tư hàng tỷ đồng để mua "máy phá đồ".
"Tác dụng của máy này là kiểm tra chất lượng của các thiết bị gia dụng. Chẳng hạn như nồi cơm điện sẽ đóng mở hàng nghìn lần để kiểm tra độ bền, hay chảo chống dính sẽ bị cà hàng nghìn lần để kiểm tra độ chống dính...", đại diện doanh nghiệp lý giải.
Song song đó, doanh nghiệp cũng việc tiến hành thuê một số chuyên gia đầu ngành từ Hàn Quốc như ông Kim Young Jong - Nguyên Phó Tổng Giám đốc hãng nồi cơm điện lớn của Hàn Quốc Cuckoo và ông Yoo Myung Joon - chuyên gia tư vấn cao cấp hãng Samsung, để tư vấn xây dựng lại hệ thống quản lý chất lượng. Theo ông Nguyễn Xuân Phú, các vị chuyên gia này được trả mức lương tương đương HLV Park Hang Seo, vào khoảng 50.000 USD một tháng.
Các chuyên gia này hỗ trợ SUNHOUSE trong quá trình nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo nhân sự công nghệ cao và sắp xếp hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Công nhân SUNHOUSE trong giờ làm việc.
Với những nỗ lực cải tổ toàn diện, năm 2019 cũng được ghi nhận là năm thành công của Công ty Cổ phần tập đoàn SUNHOUSE trong tất cả lĩnh vực hoạt động, khi kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng gần 135% so với năm 2018.
Theo ông Nguyễn Xuân Phú, việc chuyển đổi sản phẩm từ số lượng sang chất lượng sẽ giúp SUNHOUSE cung cấp ra thị trường những dòng sản phẩm chất lượng tốt hơn đến tay người tiêu dùng. "Điều này sẽ không chỉ dừng lại ở việc nâng cao vị thế của SUNHOUSE tại thị trường nội địa mà xa hơn nữa là mở rộng thị trường quốc tế vốn có tiêu chí khắt khe về chất lượng sản phẩm", người đứng đầu doanh nghiệp nói.