Dịch Covid-19 như cú bồi khiến chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã có những nứt gãy nay càng trầm trọng hơn. Tuy nhiên chính điều này cũng được cho rằng sẽ đem lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt khi chuỗi cung ứng mới được hình thành.
Năm ngoái, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, các công ty đa quốc gia đã rục rịch chuyển dòng vốn, chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Covid-19 ập đến, được xem như một cú hích cho làn sóng này diễn ra nhanh hơn.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã tạo ra những lợi thế vô cùng lớn khi kiểm soát dịch bệnh tốt với môi trường vốn rất ổn định, lại tham gia nhiều FTA. Nếu nắm bắt được cơ hội, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng tốt làn sóng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư và chuỗi cung ứng, trở thành các mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, làn sóng dịch chuyển đầu tư mới này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Cơ hội thì lớn song không hề dễ nắm bắt. Đây không phải là bài toán có thể giải trong “ngày một, ngày hai”.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành thì khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp phải đương đầu lại càng lớn. Các khảo sát công bố vừa qua đều cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm về doanh thu, tạm ngừng hoạt động hoặc cắt giảm lao động, thu nhỏ quy mô.
Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh mới đây, do tác động chính từ đại dịch Covid-19, 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam có gần 63.500 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Chuyên gia Vndirect ước tính tổng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn giảm 14,4% so với cùng kỳ trong quý II/2020. Con số này trong quý trước đó là 27,7%.
Như đã đề cập ở trên, hiện nay có một làn sóng dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ đang có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ vào Việt Nam. Đặc biệt, những hiệp định thương mại tự do chất lượng cao như EVFTA có hiệu lực càng tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh.
Thực tế cũng đang cho thấy, một bộ phận DN Việt đã và đang chủ động vươn lên nắm bắt cơ hội, đón đầu làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp tục phát triển trong giai đoạn khủng hoảng.
Nâng tầm thương hiệu để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đầu tư có chiều sâu về chất lượng của máy móc, nhân lực… là cách thức mà nhiều doanh nghiệp Việt đang thực hiện để đón làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động vô cùng lớn từ đại dịch.
Trong cuộc trò chuyện với PV, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn SUNHOUSE chia sẻ từ đầu năm 2020 đến nay, dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19, doanh nghiệp vừa phải đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch, an toàn cho người lao động, đồng thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh ngắn hạn để thích ứng nhanh chóng với bối cảnh kinh doanh bất lợi.
“Chúng tôi xác định dịch Covid-19 là một trong những biến động thị trường buộc bất cứ doanh nghiệp nào khi hoạt động kinh doanh cũng phải luôn có dự phòng và tìm phương thức thích ứng, nhằm đảm bảo được mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp”, ông Phú nói.
Không bi quan trước tác động của đại dịch, người đứng đầu Tập đoàn SUNHOUSE chia sẻ với phóng viên những chiến lược dài hơi, bài bản để từng bước trở thành một thương hiệu uy tín hàng đầu, vươn tâm quốc tế.
“Tập trung đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, chuẩn hóa và đồng bộ chất lượng đầu ra cũng như xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao là những mục tiêu quan trọng trong chiến lược dài hạn của chúng tôi trước làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Phú cho biết về kế hoạch SUNHOUSE đang đẩy mạnh thực hiện.
Trong 3 năm qua, bên cạnh việc nâng tầm thương hiệu, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, Tập đoàn SUNHOUSE đã liên tục đầu tư nhằm cải thiện và nâng tầm năng lực sản xuất với các dự án quy mô lớn, bài bản.
Trong số này phải kể tới hai nhà máy Narae SUNHOUSE System và SUNHOUSE Lighting. Đây đều là những dự án nhà máy mới nhất được SUNHOUSE đầu tư bài bản với những tiêu chuẩn chất lượng được chứng nhận quốc tế,
Trong đó, nhà máy Narae SUNHOUSE System có tổng vốn đầu tư 7 triệu USD được xây dựng và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn của các hãng điện tử lớn như Samsung, LG…
Narae SUNHOUSE System được SUNHOUSE phát triển qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: 5 line SMT với công suất 210.000 sản phẩm/tháng; Giai đoạn 2: 10 line SMT với công suất 500.000 sản phẩm/tháng.
Theo Chủ tịch SUNHOUSE , việc sở hữu nhà máy vi mạch giúp doanh nghiệp làm chủ công nghệ lõi, từ đó chủ động hơn trong khâu xây dựng tiêu chuẩn và giám sát tiêu chuẩn sản phẩm. SUNHOUSE sẽ nâng tầm thương hiệu trong thị trường nội địa và vươn ra thị trường quốc tế, xuất khẩu được sản phẩm đến những thị trường khó tính.
Còn với nhà máy sản xuất bóng đèn Lighting, SUNHOUSE đã trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị từ các phòng lab uy tín nhất thế giới để kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra (test muối, test chống nước, test quang thông, tiếp điện, dòng rò….). Lấy Chất lượng sản phẩm đầu ra làm kim chỉ nam, Tập đoàn Sunhouse tập trung xây dựng và quản lý chất lượng học hỏi cách quản lý chất lượng từ những thương hiệu lớn của thế giới. Và trong những minh chứng thành công bước đầu, giữa năm 2019 Sunhouse đã thành công trong việc xuất khẩu lô hàng bóng đèn LED đầu tiên đi Bắc Mỹ - một thị trường nổi tiếng khó tính với những tiêu chuẩn về công nghệ và chất lượng sản phẩm.
Dự kiến trong thời gian tới SUNHOUSE sẽ phát triển nhiều dây chuyền, gia tăng sản lượng bóng đèn để đáp ứng yêu cầu nội địa hoá sản phẩm theo chiến lược kinh doanh lâu dài.
Với việc rót số vốn rất lớn, tạo ra những quy trình đầu tư vô cùng bài bản vào hai nhà máy vi mạch và bóng đèn nói trên, SUNHOUSE không chỉ củng cố vị thế trên thị trường nội địa mà còn cho thấy chiến lược dài hơi của doanh nghiệp này trước cơ hội 1.000 năm có 1 tại Việt Nam.
Khi đánh giá về hai nhà máy này, Chủ tịch SUNHOUSE Nguyễn Xuân Phú cho biết việc xây dựng được bộ quy chuẩn sản xuất cho các nhà máy là một trong những chiến lược kinh doanh nhằm phát triển đồng bộ các lĩnh vực sản xuất mạch, nhựa, cơ khí, khuôn, điện tử điện lạnh của thương hiệu SUNHOUSE.
Các chuyên gia cũng nhận định, chỉ khi hoàn thiện được chuỗi sản xuất khép kín, làm chủ công nghệ lõi, doanh nghiệp mới có thể giải được bài toán khó khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.